Hôm nay phụng vụ Hội Thánh mừng kính lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lễ được cử hành trong giai đoạn kết thúc Mùa Giáng Sinh và bắt đầu cho Mùa Thường niên. Trong ngày lễ kính Chúa hôm nay chúng ta cùng khám phá hình ảnh Đức Giêsu trong biến cố chịu phép rửa tại sông Gioan theo Tin Mừng thánh Matthêu.
Đức Giêsu chịu phép rửa trong thuật truyện của tác giả Matthêu là:
Đức Giêsu từ miền bắc-Galilê xa xôi đến dòng sông Giođan (3,13) hòa mình với dân chúng trong dòng nước và lãnh nhận phép rửa của Gioan. Dân chúng ở đây có rất nhiều hạng người: những người kinh sư thông thái, những người Pharisiêu luôn kiên trì giữ luật, các lãnh đạo tôn giáo, chính quyền; những người giàu có kẻ mọn hèn; người thánh thiện kẻ còn đang sa lầy trong lầm lạc,… tất cả đang hòa mình dưới dòng sông Giođan.
Đức Giêsu kiên quyết trước lời can ngăn của Gioan để một mực chịu phép rửa vì tuân theo luật đã định; “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (3,15). Luật quy định thế nào phải làm theo để chu toàn và giữ trọn.
Đức Giêsu chịu phép rửa xong thì chính Ngài, ông Gioan Tẩy Giả và toàn thể dân chúng nhận biết được một sự hiện diện của Thần Khí Chúa và thiên khải từ Thiên Chúa Cha “đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (3,17).
Như vậy, Đức Giêsu chịu phép rửa là biến cố được diễn tả với những hình ảnh Ngài hòa mình với nhân loại, kiên trì tuân theo luật định và với thái độ sẵn sàng đón nhận mạc khải từ Thiên Chúa. Biến cố này phơi bày trước cho chúng ta biết sứ vụ của Đức Giêsu sau khi Ngài chịu phép rửa và bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa: Ngài sẽ đến với dân chúng, hòa mình vào dòng chảy của kiếp nhân sinh. Trong thân phận Thiên Chúa nhập thể và nhập thế ấy, Đức Giêsu sống vui với người vui, khóc với người khóc; giải thoát những tâm hồn còn vướng lụy trong tội lỗi và chữa lành thân xác yếu đau; giảng dạy từ đồi núi cao đến đồng bằng, từ trong nhà hay một nơi phố xá; chỉ dạy dân sống hiểu và sống luật trong một tinh thần mới; mời gọi con người biết sống và biết miệt mài tìm kiếm thực thi thánh ý Chúa Cha, cao điểm là cuộc hiến tế trên thập giá của Ngài.
Đến với ngày lễ hôm nay, biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa cũng là lời nhắc nhở ta về Bí tích Thánh tẩy chúng ta đã lãnh nhận; đồng thời, là lời mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm thánh tẩy trong mỗi ngày sống chúng ta.
Nhắc lại bài học giáo lý về Bí tích Rửa tội đã học, chúng ta sẽ thấy việc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy để chúng ta được các ơn về đức tin: tha tội chung, tội riêng; được làm con Thiên Chúa, gọi là Kitô hữu; gia nhập hội thánh; làm anh chị em với nhau và được ghi dấu đức tin không thể xóa được. Điều kiện để lãnh nhận Bí tích này là phải thật lòng sám hối, ước ao tiến bước trong đời sống mới.
Sống Bí tích Thánh tẩy không đơn thuần chỉ là học cho biết giáo lý, thuộc các điều răn, thuộc năm lòng kinh Lạy Cha, kính Mừng, Sáng Danh. Mà còn là lời mời gọi liên lỉ sống làm con cái Chúa, là một kitô hữu biết sống trọn vẹn mối tương quan với những người xung quanh chúng ta, trong trách nhiệm và hoàn cảnh rất riêng của từng người; sống chu toàn lề luật Chúa và Hội thánh và luôn tìm biết và thực thi thánh ý Chúa qua từng biến cố trong đời sống chúng ta. Cách riêng, nơi chính bản thân từng người cần biết mở lòng, thanh tẩy đời sống sao cho sức sống và nét đẹp Tin Mừng Nước Trời ngày càng thể hiện tràn đầy nơi cuộc sống chúng ta. Thật vậy, tất cả chúng ta được mời gọi sống ơn gọi của Bí tích Thánh tẩy bao lâu chúng ta còn là lữ khách trên trần gian này. Lữ Khách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét